PHẢI CÚI RẠP XUỐNG ĐỂ VIẾT BÀI
Một học sinh (HS) vừa tốt nghiệp Trường THPT Chu Văn An,ànghếnhàtrườngkhôngcònphùhợpvớithểtrạnghọcuộc đua cuộc thi Hà Nội, chia sẻ: "Từ lớp 10 đến lớp 12 chúng em vẫn ngồi ở một phòng học và bàn ghế không thay đổi trong khi 3 năm học THPT là thời gian chúng em cao lớn nhanh nhất. Đến đầu lớp 11 là việc ngồi học trên lớp đã bí bách lắm rồi. Lên lớp 12 thì chỗ ngồi học càng chật chội, khó chịu hơn. HS phải cúi rạp xuống để viết bài, nhiều khi bị đau lưng, đau cổ do tư thế ngồi không đúng hoặc không thoải mái.
Phụ huynh của HS này nói thêm: "Chúng tôi đi họp phụ huynh cho con cũng thấy xót ruột, bố mẹ thấp bé nhẹ cân hơn các con mà ngồi họp một lúc còn thấy mỏi hết cả người do chỗ ngồi chật chội, các con ngồi học cả ngày, cả năm như vậy không thể nói không ảnh hưởng".
Một phụ huynh có con học THCS tại Hà Nội chia sẻ: Thực tế hiện nay là bàn ghế của HS lớp 6 cũng là bàn ghế của HS lớp 9. Con tôi học lớp 9, cao 1,8 m, nhìn cháu xoay xở ngồi học với cái bàn cái ghế bé xíu, phụ huynh rất lo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu".
Bà Hà Thị Thu, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Bá Thước (Thanh Hóa), cho biết cách đây 10 năm, trung bình chiều cao của nam HS lớp 9 khoảng 130 - 140 cm còn HS lớp 11, 12 cao khoảng 140 - 150 cm, thì nay HS của những khối lớp này có sự phát triển vượt trội. Bước vào lớp 8, hầu hết các trò phát triển "đột biến" về chiều cao, cân nặng; nhiều em học lớp 9 đã cao hơn 170 cm; một số HS THPT cao hơn 175 cm.
"NHIỀU EM NGỒI KHOM LƯNG TỘI NGHIỆP"
Phó hiệu trưởng một trường tiểu học tại Q.3, TP.HCM, cho biết hiện nay những trường tư, trường quốc tế và trường được xã hội hóa về cơ sở vật chất thì bàn ghế đều hiện đại, có thể điều chỉnh độ cao. Hoặc những trường học công lập mới xây trong các năm trở lại đây, kể cả ở vùng ven của TP.HCM, thì có điều kiện được đầu tư trang bị bàn ghế mới, có "nấc", ốc vít có thể điều chỉnh độ cao của bàn cho phù hợp với chiều cao của học sinh. Còn những trường học được xây dựng từ lâu, kể cả các trường ở trung tâm, thì cũng đa số là bàn ghế gỗ cố định chiều cao, không điều chỉnh được.
"Phụ huynh nào đi họp cho con học lớp 1, 2 và ngồi ở ghế của con thì sẽ hiểu cảm giác của các bé cao lớn mà vẫn phải ngồi bàn ghế thấp - tiêu chuẩn bàn ghế từ cả chục năm trước", người này nói. Theo cán bộ quản lý này, trong mỗi trường tiểu học hiện có khoảng 3 kích cỡ bàn ghế: dành cho khối học sinh lớp 1 - lớp 2; dành cho khối 3 - khối 4 và dành cho khối lớp 5. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều em HS tiểu học đã có chiều cao vượt trội so với 10 năm trước, nên có nhiều em phải ngồi khom lưng tội nghiệp".
QUY CÁCH VỀ BÀN GHẾ ĐƯỢC QUY ĐỊNH CÁCH ĐÂY 12 NĂM !
Theo các giáo viên, kích cỡ bàn ghế trường học hiện nay thực hiện theo thông số quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2011/TTLTBGDĐT-BKHCN-BYT giữa Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho hay quy cách về bàn ghế HS được quy định từ năm 2011, tức cách đây 12 năm, cũng đã phần nào không còn tương thích với sự phát triển về thể trạng của HS hiện nay. Tuy nhiên, cũng theo bà Hảo, ở lứa tuổi HS THPT, bàn ghế được quy chuẩn đến chiều cao 175 cm vẫn còn có thể được, nhưng với HS lứa tuổi tiểu học thì chiều cao đang phát triển mạnh hơn.
Tương tự, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12 (TP.HCM), cho biết các trường từ tiểu học đến THCS trên địa bàn quận đều đã bố trí bàn ghế HS được quy chuẩn tại Thông tư 26. Tuy nhiên trong một vài năm học trở lại đây, trước thực trạng HS phát triển hơn so với trước nên một số trường tiểu học cũng đưa ra kiến nghị điều chỉnh tiêu chuẩn, kích cỡ bàn ghế HS.
GIẢI PHÁP BÀN GHẾ ĐƠN, NHIỀU KÍCH CỠ
Đại diện Trường Marie Curie (Hà Nội) cho biết trường có khoảng 300 HS có chiều cao từ 175 cm trở lên. Do là trường liên cấp nên nhà trường đặt nhiều kích cỡ bàn ghế, cho HS chiều cao từ 100 - 200 cm. Bàn ghế không phải dạng liền mà là bàn đơn, ghế đơn để dễ bố trí theo chiều cao của HS và cũng dễ bố trí khi cho HS tham gia các hoạt động nhóm trong lớp học…
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội), cũng cho biết do trường được xây dựng lại và mua sắm bàn ghế mới từ năm 2019 nên đã bố trí ghế đơn thay vì ghế băng. Trước đó, HS phải ngồi ghế băng, do thể trạng của các em bây giờ phát triển hơn nên nhiều em phản ánh ngồi học không thoải mái, ghế băng cũng nhanh hỏng do bị võng sau một thời gian sử dụng.
Bà Hà Thị Thu cho rằng một số tiêu chuẩn bàn ghế HS theo quy định hiện nay không còn phù hợp, nên điều chỉnh theo hướng tăng kích thước của bàn, ghế để phù hợp với thể trạng HS hiện nay. "Nên giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc mua sắm bàn ghế, vì chỉ có thầy cô giáo trong trường mới hiểu và nắm vững thể trạng của HS. Trên cơ sở khảo sát sẽ có "thiết kế" riêng (nếu cần) cho những HS thuộc diện đặc biệt, bảo đảm trò nào cũng có bàn ghế học tập phù hợp với thể trạng. Muốn vậy, các quy định cần có độ mở, linh hoạt để cơ sở giáo dục và địa phương có thể vận dụng".
Một chuyên viên của Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết ngay từ năm 2011, khi thông tư có hiệu lực thì TP.HCM đã lần lượt có những thay đổi và bổ sung để bàn ghế HS đáp ứng theo đúng quy định.
Cụ thể, với những trường học xây dựng mới phải sử dụng bàn ghế theo đúng quy cách thì mới nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Những trường còn lại thì hằng năm khi phê duyệt ngân sách cũng đã có nội dung bổ sung về bàn ghế, cơ sở vật chất.
Tại Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), nhà trường đã tiến hành thay mới bàn ghế theo hình thức cuốn chiếu và đến năm 2016 thì toàn bộ bàn ghế của trường được thay mới hoàn toàn theo quy cách của Thông tư 26. Tại mỗi lớp học, HS ngồi ghế riêng và mỗi bàn có 2 HS. Ngoài mức kích cỡ theo quy chuẩn thì bàn ghế đều có khóa để điều chỉnh chiều cao cho phù hợp với HS trong trường hợp có chiều cao vượt theo quy định.
Còn tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP.Thủ Đức), các lớp học cũng được bố trí bàn ghế theo hình thức rời nhau và được thiết kế chiều cao theo đúng kích thước đáp ứng chiều cao của HS THPT. Hiệu trưởng nhà trường cho biết bàn ghế của trường đáp ứng cho những HS có chiều cao trung bình lần lượt là từ 145 - 159 cm và 160 - 175 cm.
Nhiều hệ quả nếu ngồi học lâu dài với bàn ghế không phù hợp chiều cao
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Đình Minh Huy, giảng viên bộ môn mắt, khoa Y, Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho biết khi phải ngồi học trên bàn ghế không phù hợp với chiều cao của trẻ thì trẻ dễ ngồi sai tư thế, có thể cúi nhiều quá, nhìn quá sát… Đây đều là những yếu tố nguy cơ, kích thích nguy cơ gây ra cận thị ở HS.
Bác sĩ Đỗ Thành Tài, chuyên khoa Chấn thương chỉnh hình, Chủ nhiệm CLB Karatedo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết những năm qua đời sống người dân ngày càng nâng cao, phụ huynh ngày càng có ý thức hơn về sự phát triển trí tuệ, thể chất của HS, nhất là HS tiểu học, THCS đang trong giai đoạn phát triển chiều cao mạnh mẽ. Các gia đình tăng cường dinh dưỡng cho trẻ. Gia đình và nhà trường cũng chú trọng thể thao học đường. Chính vì những điều này mà càng về sau chiều cao lứa tuổi HS tiểu học, THCS càng cao hơn trước đó.
"Tuy nhiên, nghịch lý là bàn ghế trong nhiều trường công lập vẫn theo quy chuẩn mười mấy, 20 năm trước, điều này hoàn toàn không còn phù hợp với sự phát triển thể chất của trẻ. Chính vì vậy nhiều bệnh học đường đã xảy ra. Dù trẻ có tham gia nhiều hoạt động thể thao đến đâu thì thời gian ngồi học với bàn ghế không phù hợp vẫn nhiều hơn. Vậy thì có chơi thể thao cũng không bù lại được cho những cái hại cho cột sống, mà điển hình là các bệnh cột sống như gù lưng, cong vẹo cột sống. Trẻ càng được chú trọng sự phát triển chiều cao, mà chất lượng bàn học ở trường lớp không tương xứng thì tình hình các bệnh học đường như gù, cong vẹo cột sống càng phổ biến", bác sĩ Đỗ Thành Tài nói.